Mỗi thành viên, mỗi bộ phận là một start-up
Được sáng lập bởi ông Dr. Kazuo Inamori, Chủ tịch Tập đoàn Kyocera, mô hình Amoeba được xem là bí mật giúp các công ty, tập đoàn Nhật Bản như tập đoàn công nghệ Kyocera, tập đoàn viễn thông KDDI và hãng hàng không Japan Airlines tạo ra lợi nhuận cao và liên tục trong hàng chục năm bất kể biến động thị trường.
Đây là một mô hình cho phép doanh nghiệp đơn giản hóa hệ thống nhà hàng cafe như Morico vốn phức tạp để có thể đồng bộ và nhất quán tiêu chuẩn hoàn hảo từ dịch vụ đến hàng trăm dòng sản phẩm.
Amoeba, tên đầy đủ là Amoeba Dynamic Management System (ADMS) có đặc trưng là chia công ty thành các nhóm nhỏ 10 - 20 người, gọi là amoeba nhằm tăng tính linh động tối đa, tạo ra cảm nhận về thị trường (market sense) sát đến từng nhân viên, để phát triển khả năng lãnh đạo từ cấp nhỏ nhất.
Trước đây, khi chưa áp dụng mô hình Amoeba, các bộ phận tại Morico thiếu sự chủ động trong công việc mà thường chờ đến những quyết định, phổ biến từ các bộ phận cấp cao. Sau khi nhận thức được mỗi bộ phận là từng tế bào góp phần vào sự phát triển chung của tập thể, mỗi nhân viên tại Morico trở thành người làm chủ bộ phận của mình, không ngừng vận động, phát triển và trở nên sáng tạo hơn khi luôn phối hợp với các thành viên trong bộ phận mình cùng các bộ phận liên quan để đưa ra những giải pháp giúp tăng doanh thu, giảm thiểu chi phí để cải thiện hiệu suất giờ.
Cụ thể, Amoeba cho phép mỗi nhân viên chủ động tham gia vào quản lý, từ quản lý chính bản thân mình, quản lý quy trình mình đang làm, đến quản lý sản phẩm mình tạo ra.
Ví dụ, thời gian tiêu tốn để tạo ra một ly Iced Matcha tại Morico trung bình là ba phút, nhân viên pha chế tại Morico phải cố gắng mỗi ngày rút ngắn thời gian này mà vẫn đảm bảo được chất lượng của ly Iced Matcha.
Bởi vậy, mô hình Amoeba giúp mỗi người, mỗi bộ phận nhìn thấy được kết quả trực tiếp của những công việc mình đã làm tác động lên kết quả kinh doanh như thế nào, giống như họ là chủ sở hữu thực thụ của doanh nghiệp, dù có thể chỉ là một phần nhỏ trong đó.
Những “chữ vàng" cho cấp quản lý
Với bất kỳ tổ chức nào, ý thức con người là chìa khóa của sự phát triển. Tại sự kiện CEO Forum 2018 mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, lao động Việt Nam sẽ làm tốt hơn nếu ý thức được nâng cao hơn.
Tập trung vào việc xây dựng ý thức, triết lý của Amoeba là “làm điều mà một con người đúng đắn phải làm – Do the Right Thing as a Right Human being” hay “Kính thiên ái nhân – Respect Divine, Love People”. Dr. Kazuo Inamori cũng đã đề ra 12 nguyên tắc cho quản lý.
Ba nguyên tắc nổi bật trong số này chính là: Sở hữu tinh thần chiến binh, Làm người đàng hoàng và tử tế, Luôn tích cực và tươi vui. Các nguyên tắc này đã giúp cho cấp quản lý của Morico có phong cách làm việc rất khác biệt: Quyết liệt, theo đuổi đến cùng nhưng vẫn giữ được tâm thế vui vẻ, nhẹ nhàng.
Đặc biệt, khi doanh nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng với nhiều chi nhánh và số lượng nhân viên đông đảo hơn, những nguyên tắc của Amoeba giúp Morico giữ vững sự năng động và tinh thần tích cực trong mọi cấp bậc của tổ chức.
Đây cũng chính là câu trả lời mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp F&B (thực phẩm và đồ uống) nói riêng đang loay hoay tìm lời giải.
Ứng dụng Amoeba trong ngành F&B
Khác với những mô hình quản trị khác, mô hình quản trị Amoeba chú trọng đặc biệt vào con người nên phù hợp sâu sắc khi áp dụng vào ngành dịch vụ. Tiên phong ứng dụng mô hình này vào ngành F&B, Morico đã gặt hái những thành công đáng kể.
Morico là chuỗi nhà hàng cafe phong cách sống Nhật Bản đương đại được định vị “Một nơi thuộc về mình” cho thực khách. Với tuổi đời 9 năm, Morico cũng được biết đến với thế mạnh là “Best dessert in town”, các món ăn chuẩn vị Nhật, và những hoạt động “nuôi dưỡng tinh thần”. Hiện Morico đang hoạt động tại 30 Lê Lợi, Q.1 và 5 chi nhánh khác tại TP. HCM.
Thành công lớn nhất là sự trơn tru, nhuần nhuyễn khi vận hành toàn bộ hệ thống từ nhà hàng, con người, đến món ăn. Morico hiện có hơn 100 món bar và 300 món bếp, mà vẫn dễ dàng phát triển hơn 40 món mới mỗi năm trong menu Yokoso (menu đặc biệt theo mùa).
Lượng khách trung thành đáng kể cũng là điều Morico tự hào với hơn 1.000 khách hàng thân thiết có thẻ thành viên, 2.000 khách hàng có thẻ Premium. Số khách này không ngừng tăng lên cả về số lượng và độ gắn kết, có khách một tuần đến Morico thậm chí 7 - 8 lần, là minh chứng cho sự vượt trội trong mô hình quản trị Amoeba khi áp dụng vào ngành F&B.
“Những câu chuyện của những vị khách của Morico là nguồn cảm hứng bất tận cho Morico, củng cố triết lý Omotenashi (triết lý người thân) trong dịch vụ của Morico và mô hình quản trị Amoeba mà Morico đang áp dụng. Đó cũng là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những món mới và tạo ra các giá trị dịch vụ cộng thêm để xây dựng Morico trở thành “nơi của riêng mình" cho mỗi thực khách", đại diện Morico chia sẻ.
Rõ ràng, mô hình quản trị Amoeba đã và đang được áp dụng tại Morico đã giúp chuỗi nhà hàng cafe Nhật Bản này phát triển bền vững từ những tế bào nhỏ nhất bất chấp sự biến động của thị trường.
Bài viết được đăng trên báo The Leader. Xem link gốc tại đây.