null

Riot Games, nhà phát hành game League of Legends (Liên Minh Huyền Thoại) đình đám, đang đối diện với một cuộc khủng hoảng văn hóa doanh nghiệp chưa từng có. Riot Games bị cáo buộc là có văn hóa doanh nghiệp toxic (tạm dịch: văn hóa độc hại). Nói toxic là vì thứ văn hóa này dung dưỡng cho việc coi thường và phân biệt nữ giới - một điều không bao giờ được cảm thông trong xã hội hiện đại.

Câu chuyện của Riot Games

Macy, một nhà quản lý cấp trung của Riot games, bước vào phòng họp với sự hồi họp khó tả. Hôm nay, cô có bài diễn thuyết quan trọng về các nhân vật trong game và cách chúng tương tác trong bản vá mới. Ý kiến cô đưa ra có thể xem là phù hợp và mang tính chuyên môn cao khi các nhân vật trong game có sự tương hỗ và quân bình về các tuyệt kỹ. Nhưng điều đó không là gì cả. Trong phòng họp chỉ có những cái nhìn bâng quơ, thỉnh thoảng người ta lại nhìn vào màn hình laptop hoặc smartphone. Ý kiến đóng góp bởi Macy như viên sỏi rơi vào đại dương. Họ làm lơ cô. Macy cảm thấy vô cùng khó hiểu và đau khổ, vì thế cô quyết định làm một thử nghiệm.

Một tuần sau đó, một nam đồng nghiệp trình bày nguyên vẹn những ý tưởng của cô trong một cuộc họp về sự tương tác giữa các nhân vật. Cũng chừng đó ý tưởng và chừng đó con người, nhưng lần này phản ứng nhận được lại vô cùng khác biệt. “Trời ơi, ý tưởng đó thật tuyệt vời”, đám đông phấn khích.

“Cậu giỏi thật đấy, người anh em”. Khuôn mặt của nam đồng nghiệp trở nên ngại ngùng xấu hổ, bởi những ý tưởng đó là do Macy nhờ anh trình bày lại. Núp bên mé cửa, đôi mắt Macy lấp lánh ánh nước. “Tất cả vì tôi là phụ nữ ư?”, cô lẩm bẩm. Một tuần sau đó, cô nộp đơn xin nghỉ việc. Đây một là ví dụ có thật, dựa trên cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của Kotaku, trang web chuyên về game của cộng đồng game quốc tế.

Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng là sự ra đi của nhiều họa sĩ và nhà phát triển game tài năng của Riot Games. Trong đó, không chỉ có phụ nữ, mà những người đàn ông có lương tri cũng chọn cách ra đi.

“Những hành vi thiếu chuẩn mực, không phù hợp với môi trường làm việc liên tục diễn ra trước mắt tôi, khiến tôi không thể chịu nổi sau một thời gian làm việc”, Barry Hawkins, cựu Giám đốc phát triển trò chơi của Riot Games, nhận xét. “Văn hóa làm việc phân biệt phụ nữ, dung tục, mục rữa từ CEO đến nhân viên” là một bình luận khác về Riot Games trên Glassdoor, trang web chuyên bình phẩm về chất lượng công việc.

null

Ban đầu liên tục phủ nhận các cáo buộc, nhưng trước quá nhiều chia sẻ về những trải nghiệm tồi tệ từ những nhân viên đã từng gắn bó với mình, Riot Games cuối cùng cũng thừa nhận văn hóa kỳ thị nữ giới là có thật ở Công ty. Thông cáo tháng 8.2018 viết: “Đến các Rioters, nhà thầu và những ai đã từng là Rioters và đối tác của chúng tôi, chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi xin lỗi vì chúng tôi đã không làm được những gì các bạn mong đợi. Chúng tôi cũng rất hối hận vì suốt một thời gian dài không thể khắc phục được nhược điểm này… Chúng tôi hiểu mình đã mất đi lòng tin của các Rioters và việc xây dựng lại lòng tin là chìa khóa để các bạn cảm thấy an toàn và trao quyền để nêu chính kiến”.

Cô đọng sau tất cả những sai lầm của Riot Games là họ đã thiếu tôn trọng với những người đã từng cống hiến cho doanh nghiệp. Cách sống thiếu tử tế của họ với người phụ nữ khiến doanh nghiệp đánh mất niềm tin của game thủ, nhân viên, đối tác và cả thị trường. Riot Games hiện là tên tuổi hàng top ngành game trực tuyến, với số lượng người chơi ước lượng 100 triệu người/tháng và doanh thu 2 tỉ USD/năm.

Bài học cho doanh nghiệp Việt

Qua câu chuyện của Riot Games, có thể thấy được những bài học quan trọng cho doanh nghiệp Việt về việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp minh bạch, trách nhiệm và chính trực. Theo Dale Carnegie, trường đào tạo doanh nhân uy tín, văn hóa doanh nghiệp là những suy nghĩ cốt lõi dẫn đến quyết định và hành vi của nhân viên mỗi ngày, định hình cách nhân viên nhìn nhận về bản thân trong tổ chức, mô tả được mục đích tồn tại của công ty, hiểu biết tổng thể về tình hình kinh doanh của công ty, cách họ tương tác với khách hàng, làm việc với các bên liên quan.

null

Theo một báo cáo được khảo sát với 600 lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đến từ Mỹ, Ấn Độ, Đức Và Indonesia, Dale Carniege phát hiện ra rằng sự minh bạch trong môi trường làm việc và áp lực gia tăng hiệu suất làm việc là những thách thức lớn nhất với những doanh nghiệp muốn xây dựng và gìn giữ văn hóa công ty một cách tích cực. Có thể nói, sự minh bạch sẽ giúp xây dựng niềm tin giữa các cá thể với nhau nhưng không phải vấn đề gì cũng có thể chia sẻ được, như lương thưởng của người lao động. Làm sao vừa bảo vệ được tính riêng tư, nhưng lại không khiến nội bộ nghi kỵ sẽ là điều mà mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tư duy. Ngoài ra, việc gia tăng hiệu suất làm việc cũng khiến lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng nhân viên bị quá tải, từ đó dẫn đến sự thiếu cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cũng như mất đi niềm vui trong công việc hằng ngày.

Lời khuyên từ Dale Carnegie là hãy xây dựng hệ thống văn hóa dựa trên những giá trị cốt lõi như sống tử tế và an nhiên. Hãy trở thành một “Social Enterprise”, tương tác một cách hài hòa lợi ích với các đối tượng thuộc hệ sinh thái doanh nghiệp. Những đối tượng ấy gồm nhân viên, đối tác liên kết, chính phủ, đoàn thể xã hội và những nhân viên cũ đã từng cống hiến cho doanh nghiệp.

Bài viết được đăng trên trang Nhipcaudautu.vn. Xem link bài gốc TẠI ĐÂY.

Genius Việt Nam là một PR Agency cung cấp các dịch vụ về Nội dung và Truyền thông, khai thác và sản xuất các nội dung có tính Chuyên sâu và Toàn diện, đón đầu xu hướng cùng sự am hiểu sâu sắc câu chuyện định vị của từng doanh nghiệp và đặc thù chuyên môn của mỗi lĩnh vực ngành nghề.
Để được tư vấn các nội dung chuyên sâu (Editorial) trên báo chí, doanh nghiệp vui lòng liên hệ:
- Ms. Hoai Anh: (+84) 903 789 968
- Email: anh.vu@geniusvietnam.com

Kết nối với Genius Việt Nam

- Fanpage: Genius Việt Nam

- LinkedIn: Genius Việt Nam