Sáng ngày 9/9, sự kiện LEAD 2017 – Bệ phóng kinh doanh với chủ đề “Kinh doanh bán lẻ – Vốn và xoay vòng vốn” đã diễn ra vô cùng sôi nổi với sự tham gia của ba diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ là ông Nguyễn Duy Linh – Giám đốc bán lẻ Quỹ đầu tư Seedcom, Tổng giám đốc chuỗi giày Juno, bà Nguyễn Thu Thủy – Phụ trách đầu tư, quỹ Mekong Capital và ông Phạm Ngọc Liêm – Founder chuỗi túi xách da Lee&Tee. Sự kiện thu hút hơn 400 nhà bán lẻ đến trao đổi kinh nghiệm thực tế.
Tại sự kiện, các Nhà bán lẻ có cơ hội tìm hiểu vai trò của vốn, cách huy động vốn và xoay vòng vốn, cách thức thu hút và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, cũng như gặp gỡ và lắng nghe góc nhìn từ nhà đầu tư, các chuyên gia tài chính, trong lĩnh vực bán lẻ để áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình, thông qua những câu chuyện “mỗi người một vẻ” đúc kết từ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng sự nghiệp của các diễn giả, khai thác các góc nhìn đa chiều về vốn để giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa các nguồn lực.
Câu chuyện thứ nhất: “Tiền là vua”
Ông Nguyễn Duy Linh - Giám đốc bán lẻ, Quỹ đầu tư Seedcom, Tổng giám đốc chuỗi giày Juno chia sẻ.
“Đừng bao giờ để hết tiền – muốn kinh doanh chắc chắn phải có tiền. Không ai ra kinh doanh mà không có tiền trong người, dù nhiều hay ít nhưng nhất định phải có bởi vì kinh doanh muốn suôn sẻ phải chạy trên dòng tiền hiện tại, không thể vận hành trên lợi nhuận tương lai được.”
Bên cạnh đó, ông Linh đã chia sẻ một vài bí quyết cho các nhà bán lẻ để xoay vốn nhanh chóng là đàm phán thanh toán dài hạn, quản lý hàng hóa theo bí quyết : BÁN tốt nhất – LỜI nhiều nhất – giảm TỒN KHO – thanh toán NỢ chậm nhất.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp có 5 cửa hàng mà muốn mở thêm, có thể chấp nhận mang hết hàng tồn ra bán dưới giá vốn để khai trương cửa hàng thứ 6 và thu tiền về.
Câu chuyện thứ hai: Quản lý dòng tiền bằng phương pháp “Hai chú heo đất”
Với cương vị một người trẻ khởi nghiệp, bằng những kinh nghiệm xương máu của bản thân, Phạm Ngọc Liên – Founder chuỗi túi xách da Lee & Tee, ông đã khuyên những start-up bán lẻ rằng việc sở hữu tiền không quan trọng bằng việc quản lý dòng tiền đó.
Câu chuyện của ông chính là minh chứng khi bắt đầu với số vốn “khiêm tốn” chỉ vỏn vẹn 40 triệu đồng nhưng chỉ sau 2 năm ông Liêm đã “vẽ” được cho mình hướng đi về hàng phụ kiện thời trang da handmade và mở cửa hàng đầu tiên, trở thành doanh nghiệp tiên phong trong ngành thời trang túi xách da. Cho tới nay, sau 7 năm phát triển Lee&Tee Việt Nam đã mở rộng với 22 cửa hàng trên toàn quốc.
Ông Liêm chia sẻ: “Tiền vốn ban đầu nhiều hay ít chưa chắc quan trọng nhất, ít thì vẫn mất mà nhiều thì mất tất, điểm mấu chốt là sử dụng vốn như thế nào và duy trì hiệu quả kinh doanh ra sao.”
Vị Founder Lee&Tee đã phân tích từng nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả như: không phân biệt được tài chính cá nhân và tài chính kinh doanh, không có số liệu cụ thể mà chỉ ước lượng, không có kiến thức.
Từ đó, câu chuyện “Hai chú heo đất” ra đời. Đây là một phương pháp sáng tạo được ông áp dụng để quản lý dòng tiền: mua 2 con heo, 1 con để chi tiền cố định, 1 con để chi cho những kế hoạch xa hơn.
Từng bước, ông Liêm đã nghiên cứu tỉ mỉ về tâm lý khách hàng hay thay đổi sau 24h nhằm cung cấp thông tin nhiều hơn, khiến khách hàng hiểu và sẵn sàng chờ đợi sản phẩm.
Hệ thống Lee&Tee từ cửa hàng may túi đặt trước đã dần chuyển hóa thành sản xuất dây chuyền hàng loạt, mở rộng hệ thống phân phối, xoay vòng vốn chậm mà chắc nhờ vào nguồn tự có của hệ thống.
Hai chú heo đất tượng trưng sự cam kết của người kinh doanh về doanh thu và lợi nhuận. Sự cam kết này không phải là điều dễ dàng đối với với đối tượng khởi nghiệp khi mô hình tham gia vào tất cả mọi khâu, và khi việc nhập nhằng giữa dòng tiền cá nhân và kinh doanh vẫn còn là vấn đề rất dễ mắc phải.
Câu chuyện thứ ba: Văn hóa doanh nghiệp là “tôn giáo”
Đại diện đến từ Quỹ Mekong Capital – bà Nguyễn Thu Thủy với chủ đề VDI – Đầu tư định hướng tầm nhìn đã mang đến một góc nhìn mới lạ hơn về cách huy động vốn từ các quỹ đầu tư. Theo bà, nhà đầu tư sẽ có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn một doanh nghiệp có đáng để đầu tư hay không, một trong những tiêu chí nổi bật chính là xem xét văn hóa doanh nghiệp.
Mỗi một công ty nên xem văn hóa doanh nghiệp như là một “tôn giáo” mà từ người lãnh đạo đến cả nhân viên đều phải mang theo “đức tin” này trong nội bộ và quan hệ với đối tác để “đồng lòng” thấu hiểu và tuân theo.
Tất cả những nếp văn hóa này như cái “kén dày” sẽ giúp tổ chức chuyển mình trong tương lai và trở thành nguồn vốn vô giá của bạn, trở thành lợi thế hợp tác bền vững, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Theo ước tính, những “cuộc hôn nhân” giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp thường kéo dài từ 5 – 10 năm. Văn hóa doanh nghiệp sẽ quyết định lộ trình lâu dài của một doanh nghiệp phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng cao và tính ổn định, cũng là tiêu chí mà Mekong Capital hướng tới khi tìm kiếm những doanh nghiệp tư nhân trong suốt hơn 30 năm qua.
Câu chuyện thứ tư: Công nghệ “niềm tin” là rẻ nhất
Tiếp nối câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp, ông Linh nhấn mạnh trong thời đại công nghệ ứng dụng hiện nay không có công nghệ nào rẻ nhưng chất lượng như “công nghệ” niềm tin.
Chứng minh cho quan điểm đó, khi được hỏi về cách chống thất thoát trong kinh doanh, ông Linh chia sẻ bí quyết cá nhân đó chính là “Hãy tin ở khách hàng”. Điều này đã được chứng minh rất rõ qua việc chuỗi cửa hàng Concung đã mở ra trong 6 năm nay, tỷ lệ thất thoát là từ 0 – 1% kể từ khi mạnh dạn ứng dụng loại “công nghệ đặc biệt” này.
Cách quản lý vốn và tiền một cách cẩn thận chính là cách bạn tạo nên uy tín. “Đừng chậm tiền hàng, đừng thiếu tiền nhà, đừng quá ngày lương” cũng là những lời khuyên bắt buộc phải ghi nhớ mà cá nhân ông chủ Lee&Tee dành tặng cho các nhà khởi nghiệp.
Câu chuyện về niềm tin, uy tín luôn là bài học vỡ lòng đầu tiên mà mọi “học sinh kinh doanh” đều phải thuộc vì cũng giống như mọi nguồn vốn khác, niềm tin, uy tín rất khó để “huy động” nhưng lại rất dễ mất đi trong một chốc.
Online và Offline – “Đôi bạn cùng tiến”
Một trong những câu hỏi chưa bao giờ hết nóng gây được sự hào hứng từ phía khán giả cũng như đối với các diễn giả chính là: “Làm sao để kinh doanh offline cạnh tranh được với kinh doanh online trong khi kinh doanh online không cần nhiều vốn như offline?”
Là một người kinh doanh cả offline lẫn online, ông Duy Linh khẳng định rằng thực tế, lượng chi phí chi trả cho loại hình kinh doanh online không ít hơn, hoặc thậm chí là nhiều hơn cả khi kinh doanh offline khi các doanh nghiệp phải “gánh trên vai” tiền chạy quảng cáo, chi phí vận chuyển và sự cạnh tranh khốc liệt về giá.
Ông Ngọc Liêm bổ sung “Tiền quảng cáo online thậm chí không hiệu quả bằng việc treo băng-rôn ngay tại mặt bằng cửa hàng”.
Đối với việc thuê được một mặt bằng đáng “đồng tiền bát gạo” có lưu lượng người tham gia giao thông qua lại, có lượng khách vãng lai cố định còn rẻ hơn việc chạy quảng cáo trên Facebook hay trên các diễn đàn buôn bán, bởi suy cho cùng, người mua hàng có xu hướng xem online để lấy thông tin, còn nhu cầu thực sự là trải nghiệm “mắt thấy tai nghe” tại cửa hàng, yếu tố quyết định đến hành vi mua hàng.
Nhìn nhận dưới góc độ khách hàng, bà Thu Thủy cũng cho rằng lĩnh vực kinh doanh bán lẻ offline vẫn là một mảnh đất màu mỡ không thua kém gì các mặt hàng online trong cuộc chạy đua công nghệ này, “Khi có mặt bằng, nhãn hàng đã cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm thực tế với sản phẩm mà không một cửa hàng online nào có thể cho họ, nhất là đối với những ngành hàng đặc trưng.”
“Thay vì xem online như một đối thủ cạnh tranh trong cuộc chiến sinh tồn, các doanh nghiệp hãy đồng hành cùng công nghệ. Mỗi loại hình kinh doanh có những ưu điểm khác nhau, ở cách mỗi loại hình quản lý vốn mà các doanh nghiệp nên học hỏi lẫn nhau.” Bà Thủy cho biết.
LEAD 2017 đã khép lại thành công với hơn 1000 người tham dự ở cả 2 miền Nam Bắc, 7 diễn giả đến từ các thương hiệu hàng đầu trong ngành bán lẻ, hàng chục đầu báo đưa tin và thu hút được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng những người đang làm kinh doanh.
Sự thành công này sẽ là bước đệm để LEAD - Bệ phóng kinh doanh tiếp tục trở thành chuỗi sự kiện thường niên mang đến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và giúp nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường, giành lại lợi thế sân nhà, trong bối cảnh quy mô thị trường ngày càng mở rộng và sự thâm nhập ồ ạt của các thương hiệu nước ngoài.
Bài viết được đăng trên Brands Việt Nam. Xem link gốc TẠI ĐÂY.